Bảo hành (tháng) | 24 |
---|---|
Thương hiệu | Lenovo |
Tính năng | Multimedia |
Màu sắc | Vàng |
Series | Lenovo IdeaPad |
Mã | 80VF00C2VN |
CPU Series | Intel Core i7 7th Gen |
CPU | i7-7500U |
Số nhân | 2 |
Xung nhịp tối thiếu | 2.7 GHz |
Cache CPU | 4MB |
Hệ điều hành | Windows 10 |
Vài năm trở lại đây, thị trường máy tính cá nhân nói chung và laptop nói riêng đã không còn mạnh mẽ như trước khi máy tính bảng chiếm ngôi vương. Thực tế, không vì thế mà các nhà sản xuất laptop nhụt chí khi vẫn liên tục ra mắt các sản phẩm mới để tranh miếng bánh thị phần. Một trong những chiến trường khốc liệt nhất có thể kể đến phân khúc máy mỏng nhẹ hiệu năng cao. Trong tay tôi hôm nay là Yoga 910, đấu sĩ được chọn của Lenovo cho phân khúc thị trường này.
Hộp máy khá đơn giản theo tông màu cam trắng với logo Yoga 910 in to, chính giữa nắp hộp. Logo Lenovo nhỏ hơn ở góc phải phía dưới nắp hộp. Đóng gói của máy khá đơn giản với chiếc Yoga 910 chiếm toàn bộ mặt phía trên. Ngoài máy thì trong hộp chỉ có thêm sạc 45W chuẩn USB-C. Phiên bản sử dụng trong bài viết có màu Champagne Gold, vàng sâm-panh thời thượng.
Đi vào đánh giá chi tiết, cảm nhận đầu tiên là Yoga 910 toát lên vẻ sang trọng, đắt tiền nhờ vào lớp vỏ nhôm nguyên khối mát lạnh. Bản lề màn hình với thiết kế dạng dây đeo đồng hồ cũng làm nổi bật thêm sự đắt tiền của Yoga 910. Bản lề này cũng chính là điểm nhấn của Yoga 910 với khả năng gập ngược màn hình để sử dụng như máy tính bảng. Cũng bởi thế mà Lenovo đặt tên cho dòng laptop đa năng này tên gọi Yoga.
Cân nặng chỉ 1,38 cùng độ dày 14,3 mm, Yoga 910 tỏ ra khá thấp bé nhẹ cân. Tuy nhiên đừng vì thế mà coi thường sức mạnh của chiếc laptop này khi nó được trang bị CPU i7-7500U cùng SSD NVMe siêu nhanh. Trong các tác vụ hàng ngày như gõ văn bản và lướt web, tốc độ thực thi và phản hồi của Yoga 910 là cực kì ấn tượng. Dù i7-7500U là hơi dư thừa cho các tác vụ mà Yoga 910 hướng tới, đây cũng là một lựa chọn an toàn để “gánh” màn hình 4K của cấu hình trong bài viết.
Trong quá trình sử dụng, nhiệt lượng sinh ra từ i7-7500U là khá đáng kể khiến quạt tản nhiệt thường xuyên phải làm việc ở công suất cao. Với nhiệt độ lớn, pin của Yoga 910 cũng bị ảnh hưởng đôi chút. Đặc biệt khi sử dụng Chrome, một trong những trình duyệt ngốn tài nguyên hàng đầu, thời lượng pin sử dụng trung bình chỉ được khoảng 5 giờ. Để tăng thời gian sử dụng, khuyến cáo của tôi là sử dụng Microsoft Edge, trình duyệt con cưng của Microsoft vốn đã được cải tiến và tối ưu hoá rất tốt cho môi trường laptop. Thời lượng chạy video vẫn đạt được khoảng 9 giờ tương đương với quảng cáo của nhà sản xuất. Nếu sử dụng màn hình fullHD, thời lượng pin của Yoga 910 chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều, ở mức ấn tượng thay vì mức trung bình như cấu hình trong bài viết.
Được trang bị ổ cứng NVMe siêu tốc Samsung PM961 dung lượng 512 GB, tốc độ trao đổi dữ liệu của Yoga 910 có thể nói là khủng khiếp. PM961 thực tế là phiên bản OEM cho các nhà sản xuất laptop và máy bộ của Samsung 960 EVO với tốc độ thua kém không đáng kể.
Với bản lề 360 độ thiết kế theo dây đồng hồ, Lenovo Yoga 910 có thể uốn dẻo tuỳ theo nhu cầu của người sử dụng. Khi là laptop, lúc thì dạng “lều” giúp tiện cho việc xem phim hay gập ngược 360 độ để sử dụng ở chế độ máy tính bảng giúp Yoga 910 trở thành một trong những chiếc laptop đa năng nhất trên thị trường. Màn hình cảm ứng màn hình 4K với dải màu 100% RGB giúp hình ảnh trên Yoga 910 được tái hiện vô cùng sắc nét và chính xác. Để có thể miêu tả chất lượng màn hình của Yoga 910 chắc không có từ nào ngoài “tuyệt vời”.
Màn hình cảm ứng đa điểm cũng hoạt động cực kì mượt mà với độ trễ thấp. Một điểm sáng giá trong thiết kế của Yoga 910 là viền màn hình cực mỏng tăng hiệu ứng thị giác. Phía dưới màn hình là camera độ phân giải 720p với mic kép giúp người dùng có được chất lượng cuộc gọi video tốt nhất. Tiếc thay vị trí đặt camera lại là một điểm trừ của Yoga 910 khi ở vị trí viền dưới màn hình, khá bất tiện khi chat video ở trạng thái laptop, nhưng lại trở nên hợp lý khi chuyển về trạng thái Tent.
Phần nhập liệu của laptop Lenovo vẫn luôn là thế mạnh của hãng. Bàn phím chiclet cho cảm giác gõ tốt, hành trình phím vừa phải cùng độ nảy khá đã. Bàn phím của Yoga 910 cũng được trang bị đèn nền trắng để phục vụ nhu cầu làm việc trong bóng tối. Các phím chức năng cũng được bố trí khá hợp lý, thuận tiện khi sử dụng. Trackpad của chiếc laptop này cũng rất đáng khen khi có kích cỡ vừa đủ dùng cùng độ chính xác rất cao. Không những thế, là một Precision Touchpad, bàn cảm ứng chính xác, trackpad này hỗ trợ khá nhiều động tác di, kéo, xoay chuột với độ chính xác cao. Là một người dùng MacBook Pro, tôi phải công nhận rằng chiếc trackpad này đã tiện cận tới đẳng cấp của Force Touch Trackpad.
Góc phải phía dưới của bàn phím là cảm biến vân tay hỗ trợ Windows Hello. Với cảm biến này người dùng có thể đăng nhập nhanh chóng vào Windows chỉ với một cái chạm đầu ngón tay. Độ chính xác cao cùng thời gian phản hồi nhanh giúp quá trình đăng nhập vào Windows mất chưa đến 2 giây, cảm giác tương tự như khi bạn chạm vân tay để mở khóa iPhone. Không những thế, nhờ được trang bị ổ cứng NVMe tốc độ cực cao, thời gian từ khi bạn ấn nút nguồn đến lúc màn hình chính của Windows hiện lên chỉ khoảng 10 giây. Có lẽ vì cảm biến vân tay hoạt động quá hoàn hảo nên Lenovo quyết định không trang bị cho Yoga 910 camera hỗ trợ Windows Hello để đăng nhập bằng khuôn mặt.
Âm thanh cũng là một điểm được đánh giá cao của Yoga 910. Với hệ thống 2 loa JBL Premium Audio đặt ở cạnh dưới của máy, Yoga 910 cho âm lượng lớn với độ chính xác cao. Các dải trung và cao đều được thể hiện tốt trong khi âm trầm chưa ấn tượng do hạn chế về kích thước. Dù còn đôi chút hạn chế, hệ thống âm thanh của Yoga 910 vẫn có thể phục vụ được hầu hết mọi nhu cầu từ phim tới nhạc các thể loại. Điểm yếu duy nhất của bộ loa này có lẽ là vị trí hơi vô duyên khiến loa dễ bị bịt khi đặt máy lên đùi để làm việc.
2 cạnh bên của máy là các cổng kết nối. Bên trái lần lượt là cổng sạc USB-C 2.0 và cổng USB-C 3.0. Việc không được trang bị kết nối Thunderbolt 3 là một thiếu sót của Yoga 910 dù cổng USB-C 3.0 vẫn có khả năng xuất hình ảnh. Trong khi đó, cổng sạc USB-C 2.0 vẫn có khả năng trao đổi dữ liệu nhưng khi cắm thiết bị lưu trữ USB-C vào cổng này, máy bỗng xảy ra tình trạng giật lag. Bởi vậy, tôi xin khuyến cáo cổng này chỉ nên được dùng để sạc máy hoặc sạc tạm các thiết bị di động.
Trong khi đó, ở cạnh phải máy là cổng USB 3.0, jack tai nghe 3.5mm và nút nguồn. Ít nhất thì Lenovo vẫn cho người dùng lựa chọn để sử dụng các thiết bị ngoại vi cũ mà không cần phải thêm cổng chuyển lằng nhằng.
Kết luận lại, Yoga 910 là một chiếc laptop tốt với các trang bị vừa đủ. Đây là một lựa chọn rất đáng cân nhắc nếu bạn đang có ý định sắm một chiếc laptop mỏng, nhẹ, mạnh với khả năng giải trí đa phương tiện tốt. Tất nhiên là với điều kiện hầu bao của bạn phải tương đối rủng rỉnh